Tiểu đường có nên ăn trái cây không?
Nhiều người khi có lượng đường huyết cao trong máu, thường sợ không dám ăn trái cây chín, nhất là trái quá ngọt. Cách nghĩ này không đúng, có thể dẫn đến thiếu hụt nhiều chất có ích cho cơ thể mà trái cây sẵn có.Nguồn chất xơ tuyệt vời: Trái cây là một nguồn chất xơ rất tốt vì có cả hai nhóm chất xơ hoà tan và không hoà tan. Cả hai loại chất xơ đều có vai trò quan trọng trong việc duy trì mức đường huyết bình thường, giảm béo phì và hỗ trợ ngăn ngừa táo bón.
Nguồn vitamin chống oxy hoá và kháng ung thư: vì chứa nhiều vitamin C và A. Trung bình 100 – 150g trái cây có thể cung cấp cho một người lớn đủ nhu cầu vitamin C hàng ngày, giúp cơ thể gia tăng sức đề kháng. Những trái cây có màu vàng sậm và đỏ cam như xoài, đu đủ, cam, dưa lê, dưa hấu, hồng… chứa một nguồn carotene rất tốt, có khả năng kháng ung thư. Vitamin nhóm B cũng hiện diện nhiều trong mãng cầu, chuối, táo.
Nguồn khoáng tố vi lượng: các loại trái cây như dứa (thơm), mãng cầu xiêm, hồng xiêm, quýt, ổi, thanh long chứa nhiều Na, K, Ca. Chanh, ổi, dưa hấu còn chứa Fe và nhiều chất vi lượng khác, đều là những chất có ích.
Do vậy, người tiểu đường nên ăn trái cây. Khi ăn, có thể thay đổi nhiều loại quả chín nhưng ăn mỗi ngày với lượng vừa phải (150 – 200g) để cơ thể không thiếu hụt dưỡng chất mà vẫn không dư đường. Các chuyên gia dinh dưỡng còn khuyến khích ăn toàn bộ quả chứ không dùng ở dạng nước ép, vì nước ép sẽ mất nhiều chất xơ, một nửa lượng vitamin và khoáng tố, đồng thời khi ăn cả quả sẽ có cảm giác mau no hơn so với uống một ly nước ép cùng lượng.
Theo DS Lê Kim Phụng
Nguyên giảng viên khoa y học cổ truyền,
đại học Y dược, TPHCM/ Sài Gòn tiếp thị
Xem thêm: hạt methi hỗ trợ điều trị tiểu đường